Diễn đàn kết nối trẻ - Vai trò của Nhà giáo trẻ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Thực hiện kế hoạch tháng Thanh niên 2019, chào mừng kỉ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019) và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Đoàn Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Quận Đoàn 3 tổ chức diễn đàn kết nối trẻ với chủ đề “Vai trò của Nhà giáo trẻ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” vào ngày 22/03/2019.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa thực tiễn rất to lớn, nhằm giúp các đoàn viên, thanh niên có cái nhìn tương đối toàn diện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, qua đó định hướng cho đoàn viên, thanh niên nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình đối với ngành giáo dục. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Nhà giáo trẻ tiêu biểu, giáo viên các cấp tại Quận 3 và hơn 100 sinh viên đang theo học năm cuối tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Diễn đàn đã lắng nghe 3 tham luận với những nội dung xoay quanh chủ đề “Vai trò của Nhà giáo trẻ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” gồm:
1. “Những năng lực cần trang bị cho sinh viên sư phạm trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” của TS. Nguyễn Thị Bích Hồng – Giảng viên Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Tham luận đã chỉ rõ sự cần thiết của việc cải tiến công tác đào tạo của Nhà trường Sư phạm để xây dựng một thế hệ giáo viên trẻ phù hợp với yêu cầu của xã hội mới, hiện đại hơn.
2. “Kỹ năng phục hồi cho người giáo viên trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4” của TS. Bùi Hồng Quân – Giảng viên Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh. Vấn đề: “Giáo viên sẽ làm gì và làm như thế nào để có thể phục hồi trong bối cảnh của thời đại 4.0” mà tác giả đặt ra trong phần trình bày của mình thật sự rất hay và cần thiết đối với thế hệ giáo viên trẻ. Theo tác giả, giáo viên trong thời đại mới phải biết tận dụng khoa học công nghệ để mở rộng, cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, xã hội ; biết cách duy trì, phát triển, nhiệt huyết với giáo dục.
3. “Thầy giáo hay robot dạy học?” của ThS. Hà Văn Thắng – Giảng viên Khoa Địa lý - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Một viễn cảnh không xa trong thời đại 4.0, robot dạy học có thể thay thế giáo viên trên bục giảng. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể nào phủ nhận được vai trò của những thầy cô giáo “bằng xương bằng thịt”. Trong phần trình bày của mình, tác giả kết luận rằng: “Chỉ có thầy cô giáo mới là những người truyền cảm hứng về cuộc sống với học trò của mình dù ở bất cứ thời đại nào”.
Các đại biểu, đoàn viên, thanh niên tham gia diễn đàn cũng đã tiến hành thảo luận và đóng góp những ý kiến của mình nhằm góp phần định vị hình ảnh và vai trò của người giáo viên trong thời đại mới.
Qua diễn đàn, BTC mong muốn mỗi Thầy Cô giáo, đặc biệt là những nhà giáo tương lai sẽ tự trau dồi, phát triển bản thân để đảm nhận tốt vai trò mà cả xã hội đặt trọn niềm tin. Thời đại 4.0 đặt ra bao nhiêu thách thức và cơ hội cho người trẻ là bấy nhiêu thách thức và cơ hội cho người thầy. Thế nên, giáo viên trong thời đại 4.0 cần chủ động mở rộng tầm nhìn, tư duy và phát triển bản thân, đây là những điều kiện tiên quyết để đào tạo nên những công dân toàn cầu.