Sinh hoạt chuyên đề thời sự Quý III năm 2023

SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ THỜI SỰ QUÝ III - NĂM 2023

Chủ đề: Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm  một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

---------------------

Nhằm quán triệt và phổ biến một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến sinh viên toàn Trường. Đồng thời, định hướng về vai trò, trách nhiệm và ý thức của sinh viên trong việc cùng tham gia triển khai, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động về tầm quan trọng của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội gắn với đặc thù của ngành học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đợt sinh hoạt chuyên đề thời sự Quý III năm 2023 dành cho sinh viên với chủ đề Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm  một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyên đề được tổ chức theo hình thức khoá học trực tuyến thông qua ứng dụng di động HCMUE VLE. Theo đó, trong thời gian từ ngày 25/9/2023 đến ngày 05/10/2023, sinh viên hệ chính quy sẽ truy cập vào ứng dụng học tập trực tuyến để hoàn thành khoá học với 03 hoạt động giáo dục cụ thể: Tìm hiểu, Phân tích - Trải nghiệm và Trách nhiệm - Vận dụng. Sau khi hoàn thành 03 hoạt động giáo dục, sinh viên sẽ thực hiện bài đánh giá kết thúc khóa học theo hình thức trắc nghiệm với 20 câu hỏi trong thời gian 15 phút.

Khoa học được tổ chức thành 02 đợt cho từng đối tượng sinh viên. Trong đó, đợt 1 dành cho đối với sinh viên khoá 48, 49 diễn ra từ ngày 25/9/2023 đến ngày 28/9/2023 và đợt 2 dành cho đối với sinh viên khoá 47 trở về trước, diễn ra từ ngày 28/9/2023 đến ngày 03/10/2023. Đối với các trường hợp chưa học theo lịch, sinh viên sẽ tham gia học bổ sung từ ngày 03/10/2023 đến 08g00 ngày 05/10/2023.

____

ng dụng HCMUE VLE là ứng dụng học tập trực tuyến được Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dựa trên nền tảng là Cổng thông tin đào tạo trực tuyến Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ứng dụng được phát triển tương thích với cả 02 hệ điều hành là AndroidsIOS)

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người kiến trúc sư tài năng - Người cộng sản kiên trung mẫu mực

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn; nhà lãnh đạo giữ nhiều cương vị quan trọng, luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhân dân; là kiến trúc sư tài năng, sáng tạo; là người cộng sản kiên trung mẫu mực.

Ngay từ khi còn trẻ, Huỳnh Tấn Phát đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng là đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Huỳnh Tấn Phát hành nghề kiến trúc sư và sớm nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Với tính khiêm nhường, lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với Nhân dân và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

 

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913, tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Được gia đình cho ăn học, với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn).

 

Năm 1933, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc (khóa 8), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư tại số nhà 68-70 đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu). Trước tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản, của Nhân dân trong và sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Huỳnh Tấn Phát đã chuyển hướng sang hoạt động cách mạng, làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên, tích cực hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ.

 

Tháng 3/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong (do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo) chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ; tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25/8/1945. Ngày 23/9/1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, đồng chí bị địch bắt. Nhưng, nhờ là một kiến trúc sư tên tuổi nên địch trả tự do sau 3 ngày giam giữ ở bốt Catinat. Tháng 10/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Thanh niên Nam Bộ ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Trở về Nam Bộ, đồng chí được giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Mỹ Tho và đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Đầu năm 1946, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Trong Khám Lớn Sài Gòn, đồng chí đóng vai trò quan trọng trong thành lập “Liên đoàn tù nhân Khám Lớn Sài Gòn” và được bầu làm Trưởng ban đại diện. Tháng 11/1947, sau khi ra tù, đồng chí liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ. Đầu năm 1949, đồng chí thoát ly gia đình vào chiến khu Đồng Tháp hoạt động; được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam. Năm 1950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Đặc khu, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được phân công hoạt động ở Sài Gòn. Cuối năm 1956, đồng chí được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận.

 

Năm 1959, đồng chí ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát, địa bàn đứng chân của Khu ủy miền Đông, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) và được phân công làm Khu ủy viên chính thức Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Năm 1960, đồng chí tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận. Năm 1961, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, được Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bầu làm 1 trong 5 Phó Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận. Tháng 6/1969, Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam Việt Nam bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch đoàn kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.

 

Năm 1976, Quốc hội khóa VI bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Phó Thủ tướng Chính phủ và năm 1977 được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch đô thị. Năm 1979, đồng chí được phân công kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước và được chỉ định làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEV). Năm 1981, đồng chí được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời được bầu là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Ngày 30/9/1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi.

 

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết.

 

Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của người cộng sản kiên cường, bất khuất. Đồng chí để lại cho chúng ta bài học quý báu về nhân cách sống và hoạt động của người cách mạng, đó là: Giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm, nhân ái với đồng bào, chiến sĩ; bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết công việc hợp lý, vừa có lý luận, vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, chính sách nhằm đem lại kết quả thiết thực nhất cho cách mạng và Nhân dân.

 

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát - bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải vươn lên, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thành hiện thực, nhất là tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Võ Văn Ngân – từ một người yêu nước chân chính thành một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong đầu tiên ở Long An. Cuộc đời cách mạng của ông gắn liền với những dấu ấn đầy tự hào, là tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, mẫu mực, bất khuất, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Võ Văn Ngân (Ảnh: Tư liệu)

 

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, ông lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Bình Tây, xã Đức Hòa, quận Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Ông nội là ông Võ Văn Lực - người có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xóm ở khu vực làng Đức Hòa. Ông ngoại ở huyện Hóc Môn, từng tham gia phong trào vũ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Thân sinh của ông là ông Võ Văn Sự và bà Nguyễn Thị Toàn sinh được 11 người con, 04 người mất sớm do bệnh tật, 07 người còn lại đều tiếp nối truyền thống gia đình tham gia phong trào chống Pháp.

 

Thấm nhuần truyền thống yêu nước của gia đình, ông sớm ý thức về con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống ách cai trị của thực dân Pháp. Năm 1926, đồng chí Võ Văn Ngân cùng đồng chí Võ Văn Tần tham gia vào Hội kín Nguyễn An Ninh, một tổ chức bí mật hoạt động đấu tranh đòi độc lập, chống lại quyền cai trị của thực dân Pháp tại Nam Kỳ, sau đó chuyển sang gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

 

Tháng 8/1929, đồng chí Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần tham gia An Nam Cộng sản Đảng sau đó lập ra chi bộ Cộng sản sớm nhất ở Đức Hòa vào cuối năm 1929 gồm 07 người do Võ Văn Tần làm Bí thư. Tháng 3/1930, tại nhà ông Hương bộ Nguyễn Văn Thỏ (Nguyễn Văn Thới) diễn ra cuộc họp bí mật với sự tham gia của 07 đồng chí: Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Sậy, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Thỏ, Nguyễn Văn Ngọc, tuyên bố chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ.

 

Sau khi thành lập, chi bộ ra nghị quyết lấy thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung vận động, các đồng chí trong chi bộ nhanh chóng tản đi khắp nơi vận động nhân dân tham gia cách mạng, thành lập, phát triển tổ chức Đảng, đặc biệt là ở hai khu vực Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh. Tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, 04 anh em Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân đều được bầu là Quận ủy viên, trong đó đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.

 

Thực hiện chủ trương của liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn, ngày 04/6/1930, đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần cùng các Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo cuộc biểu tình tại thị trấn Đức Hòa đòi Pháp giảm thuế nhưng bị đàn áp. Sau cuộc biểu tình, chính quyền thực dân Pháp ra sức lùng bắt các đồng chí lãnh đạo Quận ủy. Trước tình thế đó, đồng chí Võ Văn Ngân và các đồng chí ở Đức Hoà phải chuyển vùng, lánh đi nơi khác. Ông cùng Võ Văn Tần trốn sang quê mẹ ở quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

 

Cuối năm 1931, do bị chỉ điểm, phần lớn lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Định bị chính quyền thực dân bắt giữ. Mặc dù vậy, đồng chí Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần tiếp tục ra sức hoạt động nhằm khôi phục các cơ sở Đảng đã mất và tổ chức tái lập Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Võ Văn Ngân được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Đầu năm 1932, do yêu cầu công tác, ông được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần. Ông cùng Võ Văn Tần đã đóng góp phần công sức rất lớn vào việc củng cố và duy trì lực lượng của Đảng ở địa phương Chợ Lớn - Gia Định trong suốt thời kỳ cách mạng kể từ cuối 1931.

 

Đầu tháng 3/1935, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, trực tiếp phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần I (ngày 27 đến 31/3/1935), ông được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cũng trong tháng 3, ông được bầu làm một trong hai đại biểu chính thức cùng với Nguyễn Chánh Nhì thay mặt cho toàn Đảng bộ Nam Kỳ đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần I họp ở Ma Cao, Trung Quốc. Dưới bí danh là Xú, tức Mập, Võ Văn Ngân tích cực đóng góp vào sự thành công của Đại hội Đảng lần I, và ông được bầu là 01 trong số 09 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Sau đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân và đồng chí Nguyễn Chánh Nhì trở về Nam kỳ ngay lúc cơ quan Xứ ủy vừa bị thực dân Pháp phá vỡ, Bí thư Xứ ủy và phần lớn xứ ủy viên đều bị bắt. Ông cùng các đồng chí còn lại bắt tay khôi phục Xứ ủy và ông được cử trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy. Vừa lo lập lại tổ chức Đảng từ cấp Xứ ủy đến các tỉnh, Võ Văn Ngân vừa cùng các đồng chí chuẩn bị xây dựng căn cứ ở vùng nông thôn ngoại thành cho Trung ương Đảng về đóng "trụ sở" để thuận tiện việc chỉ đạo phong trào cách mạng.

 

Trong giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Ngân còn cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy tiến hành xây dựng căn cứ ở làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm, Hóc Môn), cách trung tâm Sài Gòn khoảng 15km để Trung ương Đảng làm trụ sở thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại nơi đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành nhiều hội nghị đề ra các nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương lần thứ VI về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta vào thời kỳ chuẩn bị trực tiếp vận động cứu nước, đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công rực rỡ.

 

Đang lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh nặng, buộc phải nghỉ ngơi để chữa trị. Đồng chí Võ Văn Tần lên thay Võ Văn Ngân, dù vậy, ông vẫn luôn quan tâm đến công việc của Đảng. Đầu năm 1938, bệnh tình trở nặng, ông được đưa về quê ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/10/1939 (nhằm ngày 07/9 năm Kỷ Mão).

 

Đồng chí Võ Văn Ngân đã mãi ra đi trong niềm thương tiếc của toàn Đảng và toàn dân tộc ta. Ông mất đi nhưng tinh thần và khí tiết cách mạng vẫn còn đó, tô thắm truyền thống của mảnh đất Chợ Lớn - Tân An, để lại cho lớp thanh niên yêu nước một tấm gương ngời sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù và cống hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản. Tấm gương ấy mãi xứng đáng để thế hệ hôm nay và mai sau ngưỡng mộ, học tập và noi theo.

[Chuyên mục Công dân trẻ trách nhiệm - Quý III/2022] 7 cách sử dụng thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu

Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật cư trú thống nhất, đồng bộ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện 1 trong 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

TUỔI TRẺ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH SÔI NỔI KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2022

Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác nói riêng, lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp tiến tới Đại hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 - 26/03/2022). Đặc biệt là cụ thể hoá chủ đề năm 2022: “Xây dựng Đoàn vững mạnh về tổ chức” và đẩy mạnh các hoạt động nâng lực năng lực số cho đoàn viên, thanh niên, phát triển năng lực nghề nghiệp, thích nghi với tình hình mới, vào sáng ngày 27/02/2022, Đoàn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2022.